Bạn muốn tự làm thủ tục đăng ký xe ô tô cho chiếc xế yêu mới mua? 

Trước hết, xin chúc mừng bạn, đó quả là một tin vui! Sau khi mua xe mới, nếu bạn không muốn nhờ qua dịch vụ hoặc đại lý xe thì tự mình tìm hiểu và làm thủ tục cũng có cái hay. Mình làm cho “vợ 2”, có gì mà ngại, lại tiết kiệm được chút xiền đổ xăng.

 

Giấy đăng ký xe ô tô

Giấy đăng ký xe ô tô

Việc đăng ký xe là để lấy biển số và giấy đăng ký. Nhưng với xe mới thì đó chỉ là 1 trong 4 thủ tục chính mà bác chủ xe phải làm để xe đủ điều kiện lưu hành:

  • Nộp thuế trước bạ: Cách tính thuế, địa điểm và thủ tục nộp thế nào, mời bạn đọc trong bài viết Nộp thuế trước bạ ô tô
  • Đăng ký xe: làm ở đâu, hồ sơ gồm những gì..? là nội dung bài viết này, bạn xem trong phần dưới nhé.
  • Đăng kiểm tại cơ quan kiểm định chuyên ngành để đảm bảo xe bạn đạt tiêu chuẩn an toàn và bảo vệ môi trường. Địa điểm, hồ sơ, thủ tục thế nào… mời bạn đọc trong bài viết Đăng kiểm xe ô tô.
  • Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Loại bảo hiểm này là bắt buộc với chủ xe, tôi sẽ có bài viết riêng về chủ đề này.

Theo danh sách trên, việc đầu tiên phải làm là nộp lệ phí trước bạ. Sau sau đó là đến đăng ký xe. Trước hết hãy xác định...

Địa điểm đăng ký ô tô

Để đăng ký xe, bạn cần đến Phòng cảnh sát giao thông của tỉnh thành để làm thủ tục.

Thủ  tục đăng ký xe ô tô

Làm thủ tục đăng ký xe ô tô

Ở những tỉnh thành nhỏ, thì chỉ có 1 địa điểm là có thể đăng ký được. Như ở Hải Phòng quê tôi thì chỉ có đăng ký ở đường Phan Chu Trinh, gần nhà hát thành phố.

Nhưng ở thành phố lớn như Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh, có quy định cụ thể cơ sở đăng ký theo khu vực hộ khẩu thường trú ở khu vực. Cụ thể như sau:

Các địa điểm đăng ký xe tại Hà Nội

Đăng ký tại Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt - Công an Thành phố Hà Nội, có 4 cơ sở như sau:

  1. Cơ sở 1: Số 86 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm): tiếp nhận hồ sơ đăng ký ôtô, môtô cho chủ xe có hộ khẩu và cơ quan đóng trên địa bàn quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và Thanh Trì.
  2. Cơ sở 2: Số 01 đường Nguyễn Khuyến, Quận Hà Đông, Hà Nội: tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe ôtô, môtô cho chủ xe có hộ khẩu, cơ quan đóng trên địa bàn quận Thanh Xuân, và các huyện thuộc Hà Tây cũ như Hà Đông, Quốc Oai, ba vì, chương mỹ, mỹ đức, quốc oai, thạch thất, sơn tây
  3. Cơ sở 3: Số 1234 đường Láng, quận Đống Đa: tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe ôtô, môtô cho chủ xe có hộ khẩu và cơ quan đóng trên địa bàn quận Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy và huyện Từ Liêm.
  4. Cơ sở 4: Số 2 đường Long Biên I, quận Long Biên: tiếp nhận hồ sơ đăng ký môtô, ôtô cho chủ xe có hộ khẩu và cơ quan đóng trên địa bàn quận Long Biên, Hoàn Kiếm, huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn

Bạn có thể kê khai online thông tin đăng ký tại website của Công an thành phố Hà Nội, xem hướng dẫn cách khai tại đây.

Các địa điểm đăng ký xe tại Tp. Hồ Chí Minh

  1. Đội CSGT An Sương: Số 1509 Nguyễn Ảnh Thủ, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM, tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe ô tô con, ô tô khách có số chỗ dưới 30 chỗ, ô tô chở hàng trọng tải dưới năm tấn và xe rơmoóc của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có hộ khẩu và trụ sở tại các quận, huyện: 12, Tân Phú, Bình Tân, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.
  2. Đội CSGT Rạch Chiếc: Số 212 quốc lộ 1A, phường Tân Phú, quận 9, TP.HCM, tiếp nhận hồ sơ các loại xe ô tô của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có hộ khẩu và trụ sở tại các quận, huyện: 2, 7, 9, Thủ Đức, Nhà Bè, Cần Giờ.
  3. Đội Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ: Số 282 Nơ Trang Long Q. Bình Thạnh, TP.HCM, sẽ tiếp nhận tất cả các hồ sơ đăng ký xe ô tô của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có hộ khẩu và trụ sở tại các quận còn lại và các đối tượng xe ôtô chở người (ôtô khách) có số người từ 30 chỗ ngồi trở lên, ôtô chở hàng (ôtô tải) có trọng tải từ 5 tấn (5.000kg) trở lên của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có hộ khẩu và trụ sở tại các quận, huyện: Huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh; quận 12, Tân Phú, Bình Tân.

Thủ tục đăng ký xe ô tô

Sau khi xác định được địa điểm, giờ bạn tìm hiểu các bước thực hiện thủ tục đăng ký xe ô tô. Cụ thể gồm 6 bước chính như sau:

  1. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký, chi tiết như trong phần phía dưới
  2. Nộp hồ sơ tại phòng CSGTĐB (địa điểm nêu trên)
  3. Cán bộ kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế xe, trực tiếp đối chiếu những nội dung đã khai như: nhãn hiệu, loại xe, số máy, số khung, màu sơn, số chỗ ngồi, tải trọng và các thông số kỹ thuật khác của xe. Đồng thời cũng kiểm tra các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định đối với ô tô của lực lượng Công an.
  4. Ấn nút lấy số biển. Số trên biển do  phần mềm cấp tự động khi bạn bấm nút.
  5. Nộp lệ phí đăng ký: lệ phí này thay đổi tùy thuộc loại xe, mục đích sử dụng, và khu vực đăng ký:

    - Khu vực I (gồm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh): 2-20 triệu đồng

    - Khu vực II (gồm các thành phố thuộc tỉnh, các thị xã và các thành phố trực thuộc Trung ương, trừ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh): 1 triệu đồng

    - Khu vực III (gồm các khu vực khác ngoài khu vực I và II): 200.000 đồng

  6. Lấy biển số và giấy hẹn nhận giấy đăng ký xe. Đến ngày giờ hẹn (thường trong vòng 2 ngày làm việc) bạn quay lại lấy giấy đăng ký là xong.

Hồ sơ đăng ký xe ô tô

Phần này là chi tiết của bước 1 nêu trên.

Nếu có thời gian, bạn nên tới địa điểm mình định đăng ký để hỏi trước về hồ sơ và thủ tục đăng ký xe ô tô cho cụ thể và chính xác (phòng khi có sự “biến tấu” ít nhiều theo từng địa phương).

Về cơ bản, hồ sơ đăng ký xe ô tô gồm 3 loại chính: giấy khai đăng ký, giấy tờ của chủ xe, và giấy tờ của xe.

Với đối tượng chủ xe khác nhau thì hồ sơ chi tiết mỗi loại cũng có sự khác nhau đáng kể. Bạn xem xe của mình thuộc đối tượng nào: của cá nhân, tổ chức… mà chuẩn bị hồ sơ cho phù hợp. Do nhiều đối tượng, nên quy định về hồ sơ hơi rườm rà. Tôi đã cố gắng tóm tắt và sắp xếp cho dễ xem nhất, nhưng vẫn còn hơi dài, bạn chịu khó đọc nhé.

1. Giấy khai đăng ký xe

Bạn khai theo mẫu quy định tại phụ lục 2 thông tư 15/2014/TT-BCA . Trên giấy này có phần dán số khung số máy (xem hình dưới). Bạn có thể tự cà số, hoặc tìm thuê bên dịch vụ tại nơi đăng ký làm cho nhanh và chính xác.

Giấy khai đăng ký xe ô tô

Giấy khai đăng ký xe ô tô

2. Giấy tờ của chủ xe

Tùy theo chủ xe là đối tượng nào mà giấy tờ có sự khác nhau.

2.1. Chủ xe là người Việt Nam: xuất trình chứng minh nhân dân (đem theo 1 bản photo để nộp)

2.2. Chủ xe là người Việt định cứ ở nước ngoài: xuất trình Sổ tạm trú hoặc Sổ hộ khẩu và Hộ chiếu (còn giá trị sử dụng) hoặc giấy tờ khác có giá trị thay Hộ chiếu

2.3. Chủ xe là người nước ngoài

a) Người nước ngoài làm việc trong các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế:

  • Xuất trình: Chứng minh thư ngoại giao hoặc Chứng minh thư công vụ (còn giá trị sử dụng),
  • Nộp: giấy giới thiệu của Cục Lễ tân Nhà nước hoặc Sở Ngoại vụ.

b) Người nước ngoài làm việc, sinh sống ở Việt Nam:

  • Xuất trình:
    • Hộ chiếu (còn giá trị sử dụng) hoặc giấy tờ khác có giá trị thay Hộ chiếu;
    • Thẻ thường trú, Thẻ tạm trú từ một năm trở lên, và
    • Giấy phép lao động theo quy định
  • Nộp: giấy giới thiệu của tổ chức, cơ quan Việt Nam có thẩm quyền.

2.4. Chủ xe là cơ quan, tổ chức

a) Chủ xe là cơ quan, tổ chức Việt Nam:

  • Xuất trình: Chứng minh nhân dân của người đến đăng ký xe kèm theo giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức

b) Chủ xe là cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam:

  • Xuất trình: Chứng minh thư ngoại giao hoặc Chứng minh thư công vụ (còn giá trị sử dụng) của người đến đăng ký xe;
  • Nộp: giấy giới thiệu của Cục Lễ tân Nhà nước hoặc Sở Ngoại vụ.

c) Chủ xe là doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện, doanh nghiệp nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ:

  • Xuất trình: Chứng minh nhân dân của người đến đăng ký xe và
  • Nộp: giấy giới thiệu

3. Giấy tờ của xe

Giấy tờ của xe gồm 3 loại sau:

3.1. Biên lai lệ phí trước bạ (hoặc chứng từ miễn phí trước bạ, nếu được miễn)

3.2. Chứng từ chuyển quyền sở hữu:

3.3. Chứng từ nguồn gốc xe: Tùy theo đối tượng mà giấy tờ khác nhau, những trường hợp phổ biến bao gồm:

  • Với xe nhập khẩu (theo hợp đồng thương mại): tờ khai nguồn gốc xe nhập khẩu (bản chính)
  • Xe sản xuất lắp ráp trong nước: Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (bản chính)

Những trường hợp khác ít phổ biến như: xe nhập khẩu phi mậu dịch hay tạm nhập tái xuất, xe cải tạo, rơmoóc… tôi không liệt kê ở đây vì quá dài. Để biết chứng từ nguồn gốc xe những loại đó gồm những gì, bạn tham khảo trong Điều 10.3 Thông tư 15/2014/TT-BCA.


Như vậy, bài viết này đã trình bày chi tiết về hồ sơ, địa điểm, và các bước tiến hành làm thủ tục đăng ký xe ô tô. Để xe được lưu hành, có thể bạn muốn tìm hiểu thêm về những thủ tục khác như:

  • Nộp thuế trước bạ ô tô
  • Đăng kiểm xe ô tô

Chúc bạn gặp thuận lợi trong việc làm thủ tục, và sớm đưa xế yêu bon bon trên đường.

Ngọc Chi

Thứ Năm, 26/03/2020 16:04
3,5 (70,91 %) 11 votes

Bạn còn chần chừ gì nữa ?

Đăng ký học lái xe ngay hôm nay !

* Còn 01 suất ưu đãi thi sớm
Loading
Hệ thống đang xử lý xin vui lòng chờ trong giây lát ...